Giới thiệu chung về điều kiện tự nhiên, KT, XH của huyện Cao Lộc

 

           1. Đánh giá tổng quan về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

          1.1.  Vị trí địa lý

          Huyện Cao Lộc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, có toạ độ địa lý từ 220 01'  đến 2146'  vĩ Bắc và từ 1060 37'  đến 1070 04' kinh Đông.

          - Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc

- Phía Tây và Tây Nam giáp huyện Văn Quan và Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

          - Phía Tây Bắc giáp huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn

          - Phía Nam và Đông Nam giáp huyện Chi Lăng và Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

          Với vị trí địa lý như trên và hệ thống giao thông hiện có, huyện Cao Lộc đóng vai trò là cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh Lạng Sơn, có trên 74 km đường biên giới với Trung Quốc, có 2 Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Ga Đồng Đăng, có các cặp chợ biên giới quan trọng, có quốc lộ 1A, 1B, 4B, 4A liên kết với tất cả các huyện, với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộCửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (thị trấn Đồng Đăng) nằm tại km0 của tuyến đường 1A huyết mạch, là điểm nối giữa tuyến đường cao tốc Nam Ninh - Bằng Tường (Trung Quốc) và Lạng Sơn - Hà Nội. Cửa khẩu quốc tế đường sắt Ga Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng) cách thành phố Lạng Sơn 14 km, là nơi tiếp giáp của Quốc lộ 1A, 1B, đường 4A, đường lên Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, là hệ thống đường sắt quốc tế từ Hà Nội đến Đồng Đăng và từ Đồng Đăng sang Trung Quốc. Do đó cửa khẩu Hữu Nghị và ga Đồng Đăng có vai trò quan trọng trong phát triển giao lưu kinh tế giữa Lạng Sơn - Trung Quốc nói riêng, cũng như giữa Việt Nam - Trung Quốc nói chung.

         Thị trấn Đồng Đăng là trung tâm kinh tế sầm uất của huyện và của tỉnh Lạng Sơn. Là một thị trấn biên giới, cách thành phố Lạng Sơn 13 km, nằm trên trục đường từ thành phố đến cửa khẩu Tân Thanh, theo quốc lộ 1A đến cửa khẩu Hữu Nghị, có ga liên vận quốc tế và một số con đường bộ sang Trung Quốc... Thị trấn Đồng Đăng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Lạng Sơn nằm gần như hoàn toàn trong phạm vi địa giới của huyện Cao Lộc. Bên cạnh đó, huyện Cao Lộc còn giữ vị trí chiến lược không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong lĩnh vực quân sự, an ninh quốc phòng. Đây là yếu tố thuận lợi, tạo cơ hội giao lưu văn hóa, kinh tế giữa huyện Cao Lộc nói riêng và toàn tỉnh Lạng Sơn nói chung với các tỉnh khác.

 

   

 

         1.2. Đặc điểm khí hậu:

        Huyện Cao Lộc có khí hậu mát mẻ, Lộc chia bốn mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình năm là 21°C, nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất là khoảng 27°C -–32°C, nhiệt độ trung bình trong mùa đông là 13°C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất xuống đến 9°C, có ngày nhiệt độ xuống đến 0°C. Tại Mẫu Sơn có năm có băng tuyết.

        Lượng mưa trung bình hàng năm tương đối thấp, đạt 1.392mm và 70% lượng mưa rơi vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 9. Thị trấn Đồng Đăng được coi là một trong những trung tâm khô hạn của Việt Nam, lượng mưa hàng năm chỉ đạt 1.100mm. Nhiều xã mùa khô thiếu nước như Thụy Hùng, Phú Xá, Hồng Phong, Lộc Yên.

       Cao Lộc là địa bàn hút gió đông bắc nên có tốc độ gió lớn, trung bình là 2,0m/s. Độ ẩm trung bình là 82%, lượng bốc hơi cao vào các tháng mùa hạ. Ngoài ra, Cao Lộc là nơi hiện tượng sương muối xảy ra nhiều nhất trong các tỉnh miền Bắc, cao điểm từ tháng 11 đến tháng giêng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.

       Đánh giá chung, khí hậu của Cao Lộc tương đối thuận lợi cho phát triển du lịch. Đặc biệt, vùng núi Cao Lộc có khí hậu lý tưởng cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tạo nên sắc thái riêng trong phát triển du lịch của Cao Lộc so với các huyện khác của tỉnh Lạng Sơn.

          1.3. Đặc điểm địa hình:

         Cao Lộc có địa hình cao nhất trong số các huyện thị của tỉnh Lạng Sơn, độ cao trung bình của toàn huyện khoảng 260m so với mặt biển. Đỉnh cao nhất là đỉnh Mẫu Sơn cao 1.541 m nằm trên núi Mẫu Sơn.

        Địa hình đồi núi Cao Lộc có cấu trúc thành hai khối núi: núi Mẫu Sơn ở phần Đông của huyện và núi đá vôi Đồng Đăng ở Tây -–Tây Bắc huyện. Dải đường biên có hướng dốc về nội địa, độ dốc trung bình là 20 -–300, dải tiếp giáp với địa bàn huyện Lộc Bình (núi Mẫu Sơn) có độ dốc lớn, chia cắt mạnh. Khu vực có địa hình thung lũng là nơi cư trú và sản xuất của hàng nghìn hộ dân cư trong huyện. Địa hình huyện có thể chia làm 4 vùng khác nhau:

        - Vùng núi cao, gồm các xã: Công Sơn, Mẫu Sơn, đông bắc xã Gia Cát, đông nam các xã Hải Yến, Cao Lâu, Xuất Lễ. Trong đó cao nhất là đỉnh Phja Pò thuộc dẫy núi Mẫu Sơn cao 1.541m. Vùng này địa hình phức tạp, giao thông khó khăn nhưng có thế mạnh về lâm nghiệp, đặc biệt là du lịch. Dãy núi Mẫu Sơn, Công Sơn trập trùng là khu du lịch sinh thái thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.

  • Vùng địa hình đồi núi nhấp nhô, thuộc các xã: Hoà Cư, Thụy Hùng, Yên Trạch, Hợp Thành.
  • Vùng đồi thấp hình bát úp thuộc các xã ven sông Kỳ Cùng và suối lớn là Tân Liên, Gia Cát. Vùng này đất đai thuận lợi cho nông nghiệp phát triển.
  • Vùng núi đất xen kẽ núi đá vôi, có các thung lũng lớn là các xã: Hồng Phong, Bình Trung, Phú Xá. Với tài nguyên đá vôi phong phú, thuận lợi cho một số ngành công nghiệp phát triển như công nghiệp xi măng, khai thác đá vôi, ngoài ra trồng trọt và chăn nuôi cũng phát triển ở các thung lũng.

          2. Đánh giá về điều kiện xã hội

          2.1. Dân số và nguồn nhân lực

          2.1.1. Tổng quan về dân số:

       Theo số liệu thống kê dân số trung bình của huyện Cao Lộc đến năm 2020 là 80.722 người, mật độ dân cư trung bình là 129 người/km2. Dân số khu vực thành thị 17.728 người chiếm 21,96%, dân số khu vực nông thôn 62.994 người chiếm 78,04%, tỷ lệ dân số; dân số trung bình nam 41.014 người và dân số trung bình nữ 39.708 người. Dân số giữa thành thị và nông thôn hàng năm biến động khá lớn. Các dân tộc sinh sống trên địa bàn chủ yếu gồm: Nùng chiếm 57,94%, Tày chiếm 30,64%, Kinh chiếm 8,26%, Dao chiếm 2,56%, Hoa chiếm 0,39%, Dân tộc khác chiếm 0,21%. Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá của Cao Lộc tăng nhanh do chủ trương phát triển Khu Kinh tế Cửa Khẩu Đồng Đăng.

           Đến năm 2020: Số người trong độ tuổi lao động 58.692/80.722 người, chiếm tỷ lệ 60,32% tổng số dân. Trong đó số người có việc làm và tham gia các hoạt động kinh tế 49.971 bao gồm ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản 36.855 người, chiếm 73,8%; ngành Công nghiệp, xây dựng 3.205 người, chiếm 6,4%; ngành Thương mại, dịch vụ 9.911 người, chiếm 19,8%. Tổng số lao động qua đào tạo được 29.132/49.971 tỷ lệ đạt 58,3%. Trong đó, Số lao động trên Đại học, Đại học, cao đẳng 4.494 người, chiếm tỷ lệ 15,4%; Trung cấp 6.726 người, chiếm tỷ lệ 23,1 %; Sơ cấp nghề, học nghề dưới 3 tháng 17.912 người, chiếm tỷ lệ 61,5% so với tổng số lao động qua đào tạo.

         - Đặc điểm dân cư và tình hình phân bố điểm dân cư: Do đặc điểm tự nhiên của huyện nên các điểm dân cư thường có quy mô nhỏ (làng, bản), mật độ dân cư thấp. Dân cư tập trung chủ yếu dọc theo đường giao thông, khu vực thị trấn, thị tứ, trung tâm xã, các điểm chợ... Ngoài ra, làng bản còn được hình thành gần những cánh đồng để thuận tiện cho việc sản xuất.

          2.1.2. Chất lượng dân cư và chất lượng lao động:

          Chất lượng lao động: Nhìn chung chất lượng nguồn lao động cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, dân số trong độ tuổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân (73,4%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,3%. Tuy nhiên trình độ đào tạo không đồng đều, số đào tạo sơ cấp hoặc học nghề dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ cao so với tổng số lao động qua đào tạo (61,5%), do vậy chất lượng lao động qua đào tạo đáp ứng được nhịp độ phát triển của xã hội còn hạn chế.

         Nhìn chung lực lượng lao động của huyện tương đối dồi dào, ngày càng được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ đào tạo, dạy nghề, đáp ứng đủ số lượng cho nhu cầu phát triển trước mắt của các ngành kinh tế.

         Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực của huyện hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù số lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật tăng nhanh (bao gồm cả công nhân kĩ thuật, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học) song cũng mới chỉ bằng khoảng 8% tổng lao động.

          Nguồn nhân lực được đào tạo còn mất cân đối giữa các ngành và các bậc đào tạo, lao động có bằng cấp chuyên môn chỉ chiếm 10,67% tổng lao động được đào tạo. Ngoài ra, do lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng rất cao, lại là lao động có chất lượng thấp nên khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa sẽ có thể tạo ra tình trạng dư thừa lao động khu vực nông nghiệp trong khi vẫn thiếu lao động khu vực phi nông nghiệp và nhiều hệ quả tiêu cực trong việc giải quyết việc làm, các vấn đề xã hội

          2.2. Bản sắc văn hóa dân tộc và tôn giáo

       Toàn huyện có các dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 5 dân tộc chủ yếu là Tày chiếm 30,64%, Nùng chiếm 57,94%, người Dao chiếm 2,56%, Hoa chiếm 0,39%, Kinh chiếm 8,26%, các dân tộc khác 0,21%. Nhìn chung tình hình dân tộc trên địa bàn huyện ổn định; các cộng đồng dân cư sinh sống đoàn kết.

         Trên địa bàn huyện có bà con giáo dân sinh sống, có các cơ sở đền Mẫu thị trấn Đồng Đăng, chùa Bắc Nga xã Gia Cát. Nhân dân sống hoà thuận, đoàn kết, chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, không có vấn đề phức tạp nảy sinh.

          3. Đánh giá điều kiện về tài nguyên thiên nhiên

          3.1. Tài nguyên đất

        Theo thống kê đất đai của huyện năm 2019 tổng diện tích tự nhiên của huyện là 61.908,78 ha, chiếm 4,45% diện tích toàn tỉnh, được phân chia thành 22 đơn vị hành chính. Theo địa giới hiện tại diện tích đất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện chiếm 92,67% tổng diện tích tự nhiên của huyện, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 16,23%, đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn bằng 76,14%.

       Diện tích đất phi nông nghiệp chiếm 5,9% tổng diện tích tự nhiên của huyện, trong đó đất chuyên dùng hiện nay là 53,94%, đất sông suối và mặt nước chuyên dùng là 20,36% tổng diện tích đất phi nông nghiệp.

        Diện tích đất chưa sử dụng chiếm khoảng 1,43% tổng diện tích tự nhiên của huyện, trong đó đất bằng chưa sử dụng là 8,29%, đất đồi núi chưa sử dụng có 417,4ha, bằng 47,23% diện tích đất chưa sử dụng. Núi đá không có rừng cây có 393,14ha chiếm 44,48% tổng diện tích đất chưa sử dụng.

          Về cơ cấu thổ nhưỡng, đất của các xã phía Nam huyện Cao Lộc là đất feralit hình thành trên đá cát kết và cát bột kết, phân bố chủ yếu trên dạng địa hình đồi trung bình và đồi cao. Các xã Mẫu Sơn, Công Sơn, Hải Yến, Cao Lâu, Xuất Lễ có đất feralit phát triển trên đá cát, phiến thạch sét và cát bột. Các xã Gia Cát, Hoà Cư, Hợp Thành là đất feralit phát triển trên đất phù sa cổ đệ tam. Trên địa phận xã Mẫu Sơn và Công Sơn tồn tại hai loại đất có tầng đất mỏng, đất từ chua đến rất chua:

         - Trên độ cao 700 – 1.000 m là đất feralit có mùn trên núi, đất màu vàng nhạt, hàm lượng mùn trên 6%.

         - Trên độ cao > 1.000m là loại đất mùn alít với tầng đất mặt màu đen, hàm lượng mùn thô đạt đến 10%.

        Các nhóm đất chính ở huyện Cao Lộc

       Đất đai của huyện Cao Lộc có độ phì tự nhiên trung bình, tầng đất khá mỏng. Đất có tầng dày trên 100 cm chỉ chiếm 6,5% diện tích đất điều tra; đất có tầng dày từ 50 – 100 cm chiếm 21,5%; còn lại tới 72% diện tích đất có tầng dày dưới 50 cm. Bên cạnh đó, do thảm thực vật che phủ tương đối lớn, địa hình dốc nên đất dẫn dế bị xói mòn, suy thoái, do đó cần có biện pháp che phủ đất trong quá trình sử dụng; thâm canh tăng vụ trên diện tích đất nông nghiệp và tiến hành trồng, khoanh nuôi tái sinh trên diện tích đất trống đồi núi trọc.

       Nhìn chung đất phù hợp với nhiều loại cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt rất thích hợp với cây thông, cây keo, cây bạch đàn, cây chè, cây hồi.

        Về hiện trạng sử dụng đất của huyện Cao Lộc tính đến năm 2019 như sau:

        Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là: 61.908,78 ha.

        Trong đó:     

        * Diện tích đất Nông nghiệp: 57.373,32 ha. Cụ thể:

        + Đất sản xuất Nông nghiệp:                 10.049,35 ha. Trong đó:

            - Đất trồng cây hàng năm:           8.360,57 ha.

            . Đất trồng lúa:                           4.188,9 ha.

            . Đất trồng cây hàng năm khác:   4.171,67 ha.

            - Đất trồng cây lâu năm:              1.688,77 ha.

         + Đất Lâm nghiệp:                               47.137,3 ha.

            - Đất rừng sản xuất:                  36.822,72 ha.

            - Đất rừng phòng hộ:                  8.636,42 ha.

            - Đất rừng đặc dụng:                    1.678,17 ha.

        + Đất nuôi trồng thủy sản:                         186,67 ha.

        + Đất nông nghiệp khác:                             0,00 ha.       

       * Đất phi Nông nghiệp:                           3.651,65 ha. Cụ thể:

       + Đất ở:                                                  880,44 ha.

            - Đất ở nông thôn:                         731,82 ha.

            - Đất ở đô thị:                                  148,62 ha.

        + Đất chuyên dùng:                                 1.969,73 ha.

            - Đất trụ sở CQ, công trình SN:         14,37 ha.

            - Đất quốc phòng:                           143,84 ha.

            - Đất an ninh:                                    26,33 ha.

            - Đất SX kinh doanh PNN:               270,24 ha.

            - Đất có mục đích công cộng:         1.426,41 ha.

            - Đất tôn giáo, tín ngưỡng:                 13,55 ha.

            - Đất nghĩa trang, nghĩa địa:              42,1 ha.

            + Đất sông suối và MNCD:                       743,44 ha.

            + Đất phi nông nghiệp khác:                        2,39 ha.

            * Đất chưa sử dụng:                                    883,81 ha. Trong đó:

            + Đất bằng chưa sử dụng:                           73,27 ha.

            + Đất đồi núi chưa sử dụng:                    417,4 ha.

            + Đất núi đá không có rừng cây:               393,14 ha.

          Đất chưa sử dụng còn 883,81ha, chiếm 1,43% diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó chủ yếu là đất đồi núi chưa sử dụng. Đặc điểm thổ nhưỡng của huyện chủ yếu là: Đất feralit nâu đỏ hoặc màu vàng phát triển trên đá phiến sét hoặc đá cát. Đây là tiềm năng và cũng là thế mạnh để phát triển lâm nghiệp, phát triển các loại nông sản đặc sản xứ lạnh có giá trị kinh tế cao như: hoa, quả, thảo dược,...

          3.2. Tài nguyên rừng:

        Cao Lộc có 3/4 diện tích là đồi núi do vậy tài nguyên rừng của huyện khá phong phú. Theo các số liệu thống kê thì trước đây Cao Lộc có nguồn tài nguyên rừng vô cùng đa dạng và có giá trị kinh tế lớn, trong đó phải kể đến các loại gỗ quí như nghiến, vàng tâm, lim, dẻ…, các loài động vật quí như sơn dương, hươu, nai, gà lôi…

         Ngày nay vùng núi cao Mẫu Sơn có 1.543 ha rừng nguyên sinh với nhiều loài cây và dược liệu quí. Ở một số xã giáp biên, vùng sâu vẫn còn một số lâm sản quí như đinh, lim, lát, nấm hương, sa nhân… và một số động vật quí. Tuy nhiên do nạn phá rừng và săn bắn động vật hoang dã của một số người thiếu ý thức nên nguồn tài nguyên rừng đã bị suy kiệt nhiều.

          3.3. Tài nguyên nước:

        Mật độ sông, suối ở Cao Lộc tương đối dày. Sông Kỳ Cùng chảy qua 03 xã Tân Liên, Gia Cát, Bình Trung với chiều dài 35km là nguồn nước
sản xuất và sinh hoạt quan trọng nhất của nhân dân trong huyện.

      Sông Kỳ Cùng là con sông chính của tỉnh Lạng Sơn và là một chi lưu của sông Tây Giang (Trung Quốc). Đoạn chảy trên đất Việt Nam dài khoảng 243 km với diện tích lưu vực là 6.660 km². Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc sang Trung Quốc.

         Ngoài ra còn có các con suối lớn như suối Bản Lề ở xã Xuất Lễ, bắt nguồn từ Mẫu Sơn, chảy qua một số xã rồi sang Trung Quốc; suối Khuổi Van ở xã Cao Lâu; suối Khuổi Tao ở Yên Trạch; suối Đồng Đăng bắt nguồn từ khu vực biên giới chảy ra gặp sông Kỳ Cùng; suối Khuổi Hái ở xã Hải Yến…

         Các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn: Ba Sơn, Trục Hồ (Phú Xá), Phai Luông, Bản Cưởm (Thạch Đạn), Lệ Minh… hiện đang phục vụ nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho người dân.

          3.4. Tài nguyên khoáng sản:

        Khoáng sản của Cao Lộc không nhiều và trữ lượng nhỏ, có thể khai thác bằng các hình thức tận thu phục vụ phát triển công nghiệp địa phương, phân bố các loại khoáng sản gồm: quặng nhôm Tam Lung - Thụy Hùng, đa kim Tình Slung - Gia Cát, vàng sa khoáng sông Kỳ Cùng (Tân Liên và Gia Cát), đất sét, cao lanh ở Cao Lộc, Hợp Thành; cát xây dựng nằm rải rác dọc sông Kỳ Cùng (Gia Cát) và mỏ đá vôi - Hồng Phong (xã Yên Trạch), Phú Xá, Bình Trung; suối khoáng Mẫu Sơn có thể cung cấp lượng nước khoáng khoảng 500.000 m³/năm.

        Những tài nguyên khoáng sản đó đã và đang được khai thác, tạo điều kiện cho công nghiệp khai khoáng và công nghiệp vật liệu xây dựng của địa phương phát triển, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc huyện Cao Lộc.

          3.5. Tài nguyên du lịch:

        Cao Lộc là huyện miền núi có khí hậu ôn hòa đặc sắc của vùng núi cao là tiềm năng tự nhiên quý giá để phát triển du lịch. Điển hình là khu vực Mẫu Sơn cách TP Lạng Sơn 30 km về phía Đông, liên kết 03 xã Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) có diện tích 10.470 ha, nằm ở độ cao 1.541m so với mặt biển, khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm 15,60C, rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng. Mẫu Sơn được bao bọc bởi trăm quả núi lớn nhỏ. Mùa hè mát mẻ, mùa đông đỉnh núi luôn bị sương mù bao phủ, những ngày giá rét thỉnh thoảng có tuyết rơi. Nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng như đào Mẫu Sơn, chè Mẫu Sơn, hoa đào Mẫu Sơn... lại rất thuận lợi về giao thông, giầu tài nguyên thiên nhiên, cách Hà Nội không đến 180 km, từ Mẫu Sơn du khách có thể đi thăm Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma... Về giá trị tiềm năng du lịch Mẫu Sơn của Lạng Sơn có thể so sánh với Sapa của Lào Cai. Hiện Mẫu Sơn đang triển khai dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng và phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch leo núi.

        Trang phục ở đây cũng là sự kết hợp đa dạng của trang phục truyền thống của các tộc người, đặc biệt là các bộ nữ phục rất đặc sắc của phụ nữ Tày, Nùng, Dao, Hoa… Ca múa nhạc của các dân tộc huyện Cao Lộc rất đặc sắc với các điệu hát then, hát phong slư, hát lượn Tày, sli Nùng, sli Dao, nhất là trong các dịp lễ hội vào mùa xuân... Ẩm thực của người Tày, Nùng có nhiều nét đặc trưng, nổi tiếng hơn cả là các món quay với kiểu ướp đặc biệt như lợn quay, vịt quay

         Tất cả những nét đặc thù của văn hoá vật chất và tinh thần đó của huyện Cao Lộc nói riêng và của xứ Lạng nói chung cần được tổ chức khai thác để tạo nên sự hấp dẫn riêng của địa phương. Trong tương lai nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa thu hút nhiều du khách tới đây.

         3.6. Hiện trạng môi trường:

       Theo số liệu quan trắc chất lượng môi trường huyện Cao Lộc năm 2020 do Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện, có thể nhận thấy chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn huyện về cơ bản tốt so với quy chuẩn Việt Nam.

         3.6.1. Môi trường đất:

      Vấn đề môi trường đất chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân chính, bao gồm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi. Nhiều nơi trong huyện vẫn diễn ra tình trạng người dân lạm dụng thuốc trừ sâu và các sản phẩm bảo vệ thực vật khác không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, các loại túi và vỏ hộp không được thu gom và phân loại đúng cách sau khi sử dụng cũng gây ảnh hưởng đối với môi trường đất.

         Nhìn chung, chất lượng môi trường đất trên địa bàn huyện qua các năm vẫn còn ở mức tốt, tuy nhiên, nếu ý thức sử dụng đất và quản lý đất không tốt và kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng suy thoái đất.

          3.6.2. Môi trường nước:

          Nước mặt: Chất lượng nước mặt, không có vị trí nào nằm bị ô nhiễm, tất cả đều có thể dùng làm nguồn cấp nước sinh hoạt, nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.

          Nước dưới đất: Chất lượng nước trên địa bàn từ trước tới hiện tại vẫn ở mức an toàn và ổn định.

          3.6.3. Môi trường không khí:

         Nhìn chung giá trị các khí gây ô nhiễm như: SO2, CO, NO2 đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.

        3.6.4. Đa dạng sinh học:

       Cao Lộc được đánh giá là một trong những huyện có mức độ đa dạng sinh học đa dạng sinh học trung bình thấp, một số loài, mang nhiều nét đặc trưng của đa dạng sinh học Việt Nam. Mức độ đa dạng sinh học trong tự nhiên rải rác tại các xã. Tuy nhiên dân số tăng và hoạt động môi trường sống của con người được mở rộng cùng với quá trình gia tăng diện tích đất canh tác đang tàn phá hệ sinh thái và giảm đa dạng sinh học trên địa bàn huyện.

          3.6.5. Hiện trạng phát sinh và quản lý chất thải:

          a) Xử lý nước thải ở các khu đô thị

         Hiện tại trong các đô thị, mới chỉ có 02 đô thị (thị trấn Cao Lộc và thị trấn Đồng Đăng) đầu tư hệ thống thu gom, còn lại là chưa có hệ thống xử lý tập trung.

          b) Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt

        Theo số liệu báo cáo cho thấy, chất thải rắn sinh hoạt tăng hằng năm: năm 2020, lượng rác phát sinh khoảng 21.900 tấn/năm (tương đương 60  tấn/ngày), tăng 141,3 % so với 2011. Lượng rác thu gom, vận chuyển, xử lý được khoảng 20.805 tấn (tương đương 57 tấn/ngày), đạt 95 %. Lượng rác thải phát sinh tập trung ở các khu vực thị trấn lớn hơn so với khu vực nông thôn. Theo thống kê trên địa bàn huyện, lượng rác thải phát sinh ở xã, thị trấn: Đồng Đăng, Hồng Phong, Phú Xá, khu vực cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Pò Nhùng; xã Hợp Thành, thị trấn Cao Lộc; Tân Liên, Yên Trạch, Gia Cát thực hiện lớn nhất với khối lượng năm 2020 là 42.393 tấn/ngày.

         Đến nay có 09/22 xã, thị trấn đã phê duyệt đề án thu gom, vận chuyển rác thải và ban hành, áp dụng mức giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; Ở các xã còn lại, có một số UBND xã cũng đã tiến hành xây dựng phương án triển khai thực hiện tuyên truyền vận động triển khai mô hình phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn các xã và lựa chọn mô hình thí điểm để triển khai phân loại rác, bước đầu đem lại hiệu quả (giảm lượng rác thu gom, vận chuyển và nâng cao nhận thức của người dân trong trong thực hiện phân loại rác và thực hiện phòng trào chống rác thải nhựa).

          Trên địa bàn huyện có 03 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải. Cụ thể tại các xã, thị trấn: Đồng Đăng (bắt đầu từ năm 2010), Hồng Phong, Phú Xá (bắt đầu từ năm 2014), khu vực cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Pò Nhùng do HTX Đồng Tâm thực hiện; xã Hợp Thành (bắt đầu từ năm 2014), thị trấn Cao Lộc (bắt đầu từ năm 2010) do Công ty CPĐT&XD Môi trường Công Sơn thực hiện); Tân Liên, Yên Trạch (bắt đầu từ năm 2016), Gia Cát (bắt đầu từ năm 2014) do HTX Thành Lộc thực hiện. Công tác thực hiện đảm bảo, tạo môi trường mỹ quan sạch sẽ; khối lượng rác thải được hợp đồng thu gom và xử lý khoảng 42,393 tấn (được vận chuyển đến bãi rác Tân Lang - huyện Văn Lãng để xử lý bằng phương pháp chôn lấp), còn lại người dân tự xử lý bằng 02 phương pháp: Đốt hoặc chôn lấp đảm bảo vệ sinh. Hiện nay trên địa bàn huyện chưa có bãi chôn lấp rác thải.

         c) Về xử lý chất thải y tế

        Huyện Cao Lộc hiện có 01 trung tâm y tế huyện và 22 cơ sở trạm y tế tại các xã, thị trấn; với tổng khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 6,85 tấn/năm và chất thải rắn thông thường khoảng 58,765 tấn/năm. Trong đó, 100% tại Trung tâm y tế huyện thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại đúng quy định (Xử lý bằng lò đốt chất thải y tế của bệnh viện). Tại các phòng khám y tế tư nhân và Trạm Y tế: Do đặc thù phát sinh chất thải y tế nguy hại ít, hầu hết các cơ sở y tế tư nhân hợp đồng với các bệnh viện trên địa bàn để xử lý; còn các trạm y tế xã đang tự xử lý bằng đốt hoặc chôn lấp trong khuôn viên cơ sở. Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt khoảng 100%.

          4. Nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí khậu trên địa bàn huyện

         - Địa hình: Địa hình phân tầng lớn, chia cắt mạnh đặt ra thách thức lớn đối với huyện: suất đầu tư hạ tầng lớn, việc quy hoạch bố trí dân cư cũng gặp nhiều khó khăn, việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp để tạo ra các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá theo hướng CNH, HĐH cũng rất khó thực hiện.

         - Về khí hậu: Bên cạnh thuận lợi là phong phú và đa dạng thảm thực vật thì khí hậu của huyện cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Khí hậu Cao Lộc tương đối khắc nghiệt, do nằm trong lòng máng trũng đón gió mùa đông bắc nên mùa đông thường lạnh và khô, ảnh hưởng khá lớn đến cơ cấu mùa vụ và sự sinh trưởng của các loại cây trồng, khá nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện chỉ sản xuất được 1-2 vụ lúa, khó tăng vụ.

        - Tài nguyên đất và nước: Diện tích đất chưa sử dụng của huyện tuy lớn nhưng đo đặc điểm đất đai manh mún dẫn đến hệ số sử dụng đất còn ở mức thấp, chủ yếu là đất đồi, đất rừng tạp.

         Lượng mưa trung bình hàng năm chỉ đạt 1.320 mm/năm và phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Hệ thống sông ngòi của huyện tuy nhiều nhưng hầu hết đều là những sông suối có lưu vực nhỏ và trung bình, nhiều thác gềnh, mùa lũ nước dâng rất nhanh nhưng vào mùa khô nước cạn kiệt do đó việc tích nước, điều tiết nguồn nước cho sản xuất rất khó khăn.

        4.1. Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu:

       Thời gian qua, ít chịu tác động lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên trước diễn biến chung của biến đổi khí hậu thì huyện cũng phải đối mặt với nguy cơ thiên tai tăng cao trước tác động của BĐKH.

       4.2. Thuận lợi và khó khăn của huyện khi ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu:

       - Thuận lợi về mặt tự nhiên:

       Hệ thống các hồ chứa tự nhiên có tác dụng điều hòa nguồn nước trong mùa lũ.

       Hệ thống rừng phòng hộ chắn bão, chống sạt lở đất

      Diện tích rừng bao phủ hơn 70,1%, là “lá phổi xanh” của tỉnh giúp giảm thiểu nhiệt độ tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

     Có vùng sản xuất nông nghiệp miền núi, địa hình cao không bị ngập mặn do ảnh hưởng từ nước biển dâng

       - Thuận lợi về mặt quản lý:

     Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai đã và đang được huyện hết sức quan tâm. Trong những năm gần đây, UBND huyện đã bố trí nguồn lực để khắc phục, sửa chữa các công trình chống lũ, đồng thời hỗ trợ các địa phương trang bị phương tiện tại chỗ để ứng phó thiên tai, bão lũ.

       Quá trình theo dõi các tác động lên môi trường được thực hiện sát sao qua các đợt quan trắc trong năm. Công tác quản lý các doanh nghiệp với dự án lớn trên địa bàn thực hiện các giải pháp phục hồi và bảo vệ môi trường được thực hiện tích cực.

         - Khó khăn tồn tại:

       Công tác ứng phó BĐKH vấn đang dựa vào biện pháp công trình là chính, nhiều công trình phòng chống thiên tai đã được xây dựng từ lâu cần được nâng cấp, cải thiện; các giải pháp phi công trình chưa được triển khai đồng bộ và một cách chủ động.

         Nhận thức và kinh nghiệm phòng chống thiên tai của người dân không đồng đều, còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở thôn, bản, làng, xã.

          Chưa có định hướng, kế hoạch tổng thể phát triển các ngành kinh tế theo hướng “xanh” và bền vững, nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH.

            5.  Đánh giá chung

          Đến nay, huyện Cao Lộc có 22/22 số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm đi lại được 4 mùa, các thôn bản có đường bê tông thuận tiện đi lại đến trung tâm thôn, 20/20 xã có điện lưới quốc gia, 98% hộ nông thôn được sử dụng điện, 100% trường học được kiên cố và cơ bản được bố trí xây dựng các phòng học chức năng phục vụ dạy và học; các trạm y tế đều được đầu tư nâng cấp thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; hầu hết các xã đều có nước sạch; 100% các thị trấn có sóng điện thoại …

          Huyện Cao Lộc có vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng đầy đủ từ mạng lưới giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ có ý nghĩa quốc tế, quốc gia. Giao thông nội bộ cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, thông thương, đi lại của người dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế; hệ thống điện lưới quốc gia; thông tin liên lạc; cấp thoát nước; hệ thống dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng; các thiết chế văn hóa, thể thao; giáo dục, y tế, hạ tầng xã hội đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội nói chung./.

 

Thông tin liên hệ sẽ được Văn phòng HĐND và UBND huyện tiếp tục cập nhập, bổ sung./.