A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng ngân hàng số trong vay vốn chính sách

     Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Lộc đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai kênh thông tin zalo, dịch vụ ngân hàng điện tử mobile banking, nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ trong công tác quản lý, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động chính sách.

(Cán bộ NHCSXH huyện Cao Lộc hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng VBSP Smart Banking)

      Thay vì phải gọi điện hoặc đến tận nhà Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn để hỏi các vấn đề liên quan đến vay vốn, hiện nay, qua kênh thông tin zalo, dịch vụ mobile banking của NHCSXH, khách hàng dễ dàng nắm bắt các chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình tín dụng chính sách ưu đãi.

     Chị La Thị Sâm ở thôn An Rinh 1, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc chia sẻ: “Thông qua kênh tuyên truyền của NHCSXH, tháng 11/2023, tôi đã được vay vốn NHCSXH 500 triệu đồng từ chương trình nhà ở xã hội. Nhờ có dịch vụ mobile banking nên mỗi tháng, tôi đều chuyển trả lãi qua tài khoản. Tôi thấy dịch vụ này rất tiện ích, không cần phải mất thời gian đến tận ngân hàng để nộp lãi”.

     Trước đây, đến ngày 14 hằng tháng, chị Nguyễn Thị Thanh Vân - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Yên Thành, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc phải đến từng nhà khách hàng để thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, chị Vân phải đến nhà nhiều lần mới thu được lãi vì người vay vắng nhà. Còn giờ đây, chỉ cần ngồi tại nhà, chị Vân vẫn thu được lãi nhờ ứng dụng dịch vụ ngân hàng điện tử mobile banking của NHCSXH. Trừ một số trường hợp người vay không có điện thoại thông minh, chị Vân mới đến nhà để thu lãi.                                                                .                          
      Chị Vân cho biết: “Tổ tiết kiệm và vay vốn do tôi quản lý đang có dư nợ hơn 3,6 tỷ đồng, với 49 hộ còn dư nợ. Từ tháng 4/2023 đến nay, mỗi tháng đến kỳ thu lãi, tôi viết hóa đơn tiền lãi rồi chụp hình gửi qua zalo hoặc facebook cá nhân cho người vay. Sau khi nhận hóa đơn, 
người vay sẽ chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản mà NHCSXH đã mở cho tôi. Từ ngày sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử mobile banking của NHCSXH, tôi yên tâm hơn khi không giữ quá nhiều tiền mặt trong người”

     Phó Giám đốc NHCSXH huyện Cao Lộc Trần Quý Dương cho biết: Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến nay của huyện Cao Lộc đạt trên 354 tỷ đồng với hơn 5 nghìn khách hàng còn dư nợ. Thông qua các ứng dụng số của NHCSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách khác chủ động nắm bắt thông tin và tự kiểm soát vốn vay của mình, phòng tránh những thất thoát, rủi ro. Về phía ngân hàng, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của ngành được thực hiện linh hoạt hơn, các thông tin nhanh chóng truyền tải đến người dân.Để sử dụng dịch vụ mobile banking của NHCSXH, khách hàng chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet, cài đặt ứng dụng VBSP SmartBanking. Dịch vụ mobile banking của NHCSXH đáp ứng hầu hết các dịch vụ cơ bản của ngân hàng điện tử, giúp khách hàng thuận tiện trong việc chuyển tiền, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, vé tàu, vé máy bay, học phí, phí bảo hiểm; nạp tiền điện thoại, ví điện tử, mua thẻ điện thoại, nộp thuế; dịch vụ thanh toán QRPay… Thời gian tới, Phòng giao dịch sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những lợi ích thiết thực của ứng dụng ngân hàng số, tập trung hướng dẫn khách hàng cài đặt, sử dụng các tiện ích của VBSP Smart Banking tới các đối tượng là khách hàng đang vay vốn tại NHCSXH.

 

Vũ Minh - Phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Lộc

 


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 0
Hôm nay : 126
Trong tháng : 13.824
Tất cả : 46.270