A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm giao dịch xã, cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với người nghèo và các đối tượng chính sách

 

          Để phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Cao Lộc đã mở 22 điểm giao dịch tại trụ sở 22 UBND xã, thị trấn. Mô hình “ngân hàng lưu động” này ngày càng được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cao Lộc đã thực hiện 110 phiên giao dịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn.

Giao dịch của cán bộ ngân hàng CSXH huyện với người dân tại Điểm giao dịch xã Bảo Lâm

      Cứ đến ngày 12 hàng tháng, tổ giao dịch xã là cán bộ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cao Lộc có mặt tại UBND xã Bảo Lâm. Đây là lịch giao dịch cố định, kể cả ngày nghỉ cuối tuần, “đến hẹn” là cán bộ ngân hàng có mặt đúng giờ để thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm… cho bà con. Bảo Lâm là xã cách xa trung tâm huyện gần 30km, việc đi lại khá vất vả, chính vì thế, Điểm giao dịch ngân hàng CSXH tại xã có ý nghĩa rất lớn đối với người dân nơi đây.

      Theo ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm, lịch giao dịch được thực hiện cố định vào ngày 12 hàng tháng. Để đảm bảo cho buổi giao dịch diễn ra hiệu quả, xã luôn bố trí hội trường, bàn ghế và đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra mất an toàn cho ngân hàng và khách hàng. Hoạt động của điểm giao dịch xã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận kịp thời nguồn vốn mà còn giảm chi phí, tạo thói quen hàng tháng đến giao dịch để vay vốn, trả nợ, gửi tiết kiệm thuận lợi (kể cả Thứ 7 và Chủ nhật).

       Trong các phiên giao dịch, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác còn bố trí lãnh đạo tham dự, giám sát suốt quá trình của phiên giao dịch; đôn đốc tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn đến đúng giờ, tham dự cuộc họp giao ban đầy đủ, khi dự họp có sổ ghi chép đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

       Các tổ trưởng cũng thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới và phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng đều bám địa bàn, bám dân; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn tín dụng CSXH.

       Tại điểm giao dịch, các biển chỉ dẫn, bảng thông tin về các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất, dư nợ, địa chỉ đường dây nóng, thủ tục giải quyết công việc được niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời đúng quy định để người dân nắm bắt, tiếp cận thông tin một cách rõ ràng.

       Bà Đinh Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Lâm chia sẻ:“Từ khi ngân hàng CSXH triển khai giao dịch tại xã đã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân rất nhiều. Kết quả được công khai ngay tại phiên giao dịch, qua đó người dân sẽ biết được hộ nào được vay mới, theo chương trình gì; hộ nào đã trả hết nợ; số lãi mà mỗi hộ phải nộp tháng tới…Nếu không có nguồn vốn vay của ngân hàng CSXH với thủ tục đơn giản, thuận tiện thì nhiều hộ gia đình không biết đến bao giờ mới thoát nghèo”.

       Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, sau mỗi phiên giao dịch cố định hàng tháng, cán bộ tín dụng đều tổ chức họp phổ biến cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt được những chính sách mới, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới để hoạt động hiệu quả hơn.

       Có thể thấy, việc triển khai các điểm giao dịch xã được xem là giải pháp thiết thực trong cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian giao dịch, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

 

Thực hiện: MAI CHI

 

 


Thông tin tuyên truyền

Thông tin tổng hợp

Liên kết website

Thống kê truy cập

Đang online : 1
Hôm nay : 109
Trong tháng : 10.606
Tất cả : 73.880